Sau 40 năm kể từ ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, Nhật Bản đã trở thành đối tác hợp tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Hiện nay, không chỉ các tập đoàn lớn mà rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam, đánh giá Việt Nam là đối tác tin cậy, nhiều tiềm năng. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tận dụng cơ hội thuận lợi, nghiên cứu, phát triển sản phẩm tại thị trường Nhật với niềm tin rất lớn.
Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang Nhật Bản. Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu với đa dạng các mặt hàng: từ sản phẩm tươi đông lạnh, đến chế biến sấy khô, tẩm ướp gia vị… ngày càng chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, đặc biệt là con tôm.
Công ty APFISH đã có hơn 10 năm xuất khẩu hàng thủy sản sang Nhật Bản. Để thâm nhập được thị trường được mệnh danh là khó tính này, công ty đặc biệt chú trọng đến chất lượng sản phẩm cũng như đa dạng hóa các mặt hàng khi xuất khẩu. Có được lòng tin của người tiêu dùng Nhật Bản, việc phát triển sản phẩm của doanh nghiệp tại đây thuận lợi hơn rất nhiều. Ông Chung Quang Vinh, Giám đốc kinh doanh Công ty APFISH chia sẻ: "Có một thuận lợi là xuất sang Nhật Bản thì vấn đề thanh toán cũng như giao dịch với các đối tác rất là an toàn, song song với đó thì doanh nghiệp cần phải rất nỗ lực để đáp ứng được yêu cầu của phía khách hàng, để có thể giữ chân họ lâu dài với công ty. Cách mà chúng tôi hy vọng có thể phát triển hơn đối với thị trường này là cải tiến hơn nữa chất lượng sản phẩm cũng như đa dạng hóa các mặt hàng sản xuất của công ty".
Công ty xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cũng đã rất thành công tại thị trường Nhật Bản. Mặc dù xuất khẩu các mặt hàng bao bì nhựa; nguyên vật liệu cho ngành nhựa, hóa chất xử lý nước; giấy… phải đáp ứng được những quy chuẩn vô cùng khắt khe, nhưng với sự đầu tư nghiêm túc, xây dựng quy trình sản xuất chặt chẽ, đạt chuẩn, công ty đã khai thác hiệu quả thị trường Nhật Bản. Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cho rằng, đã học hỏi được nhiều khi tham gia thị trường này: "Đây là thị trường rất tiềm năng, ngay bản thân công ty tôi cũng xác định là trong 5 năm tới thì đây là thị trường số 1. Hiện tại xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 10%, 20% thôi; tương lai trong 5 năm tới sẽ là 80%, vì đây là thị trường cực kỳ ổn định và rất lớn. Các doanh nghiệp sản xuất học được rất nhiều trong việc quản trị về sản xuất, là thị trường lành mạnh về tài chính và luôn luôn khuyến khích các nhà xuất khẩu đi theo hướng thân thiện với môi trường".
Xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm chế biến, các sản phẩm nông nghiệp sang Nhật Bản đang là sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Công ty bánh kẹo Bibica bắt đầu trực tiếp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản từ giữa năm 2012 với dòng sản phầm chính là bánh Chocochip. Kết quả, thị phần Nhật Bản đóng góp cho Bibica là khoảng 5% trên tổng doanh số xuất khẩu. Đây là một thành công lớn của công ty khi mới thâm nhập vào thị lớn, nhiều tiềm năng nhưng khó tính này. Tiếp tục tận dụng cơ hội, công ty phát triển thêm dòng sản phẩm bánh mì Hura và kẹo cứng vào thị trường này, với kỳ vọng sẽ nâng doanh số xuất khẩu vào Nhật lên 10% tổng doanh số xuất khẩu trong năm 2013. Bà Trần Thị Hồng Lâm, Trưởng bộ phận Xuất khẩu - Công ty bánh kẹo Bibica nêu kinh nghiệm: "Nếu ai đã làm việc với thị trường Nhật Bản thì sẽ biết là tiêu chuẩn chất lượng yêu cầu rất khắt khe, Tuy nhiên, nếu chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của họ thì về lâu về dài thì họ sẽ gắn kết với mình rất bền vững. Nếu doanh nghiệp muốn làm việc với thị trường Nhật Bản thì thứ nhất là về quy trình sản xuất của mình phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ lúc bắt đầu đến sau này, là phải cam kết chất lượng với họ. Làm việc với Nhật Bản là phải uy tín".
Chuối là một trong 5 trái cây mà người tiêu dùng Nhật Bản đang có xu hướng tìm mua - Ảnh: DĐDN.
Nhìn thấy cơ hội từ thị trường Nhật Bản, Công ty Quỳnh Anh, chuyên sản xuất các mặt hàng nông sản sấy khô đã tìm cho mình được thị phần tại Nhật. Sau khi vượt qua được những yêu cầu cao về xuất xứ nguyên liệu, chất lượng sản phẩm cũng như bao bì, đóng gói, công ty bắt đầu xây dựng thương hiệu tại đây. Giám đốc Công ty Quỳnh Anh - ông Lê Đình Tuấn nhìn nhận: "Thị trường Nhật Bản là thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao, nhưng nếu đã vào được đó rồi thì đó là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam. Quy trình sản xuất mình phải đảm bảo chất lượng thật là tốt, nhất là yếu tố vệ sinh, vì người dân Nhật Bản người ta rất chú trọng đến sức khỏe".
Đồng hành cùng các doanh nghiệp phát triển thị phần sang thị trường Nhật Bản, khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cũng như tạo dựng niềm tin với doanh nghiệp Nhật, một số ngân hàng thương mại cũng đã trở thành chổ dựa tin cậy cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Vietinbank chi nhánh TPHCM cho biết: "Vietinbank có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp FDI. Vietinbank cũng đã ký kết với công ty đầu tư tài chính Nhật Bản CFC, theo đó, Vietinbank sẽ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào Việt Nam với sự bảo lãnh của CFC, chương trình này mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp FDI Nhật Bản".
Việc xuất khẩu một mặt hàng mà doanh nghiệp có thế mạnh thì không phải là khó, nhưng để giữ được thị trường là cả một chiến lược lâu dài. Vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cần xác định rõ và tận dụng triệt để lợi thế cạnh tranh cũng như sự khác biệt của sản phẩm, tạo dựng một hình ảnh đáng tin cậy cho nhà nhập khẩu mới có thể phát triển thị phần trên thị trường Nhật Bản.
Huệ Như
VOH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét