Vì bất đồng ngôn ngữ nên ai hỏi gì anh cũng chỉ trả lời đúng một câu “Bangladesh”. Cái tên Đét của anh cũng từ đó mà có.
Vài năm trước, Yearul Islam (quốc tịch Bangladesh) cùng bạn bay sang Malaysia hành nghề buôn bán quần áo mưu sinh. Trong một buổi lang thang bán hàng, Yearul bị bọn cướp đánh đập tàn bạo, hàng hóa, tiền bạc bị lột sạch.
Sau bận ấy, Yearul tinh thần điên loạn, trở thành người mất trí. Anh lang thang trong vô thức, lạc sang Thái Lan, điểm dừng chân cuối cùng là Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách đây gần 3 năm...
Chuyến đi buôn kinh hoàng
Tình cờ, cách nay hơn 2 tháng, chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) tỉnh Thừa Thiên-Huế và được gặp một người đàn ông Bangladesh, có cái tên rất Việt Nam là… Đét! Hay tin có người tìm, ông Nguyễn Hữu Cườm, người bạn thường tưới rau cùng anh tại trung tâm vừa chạy tìm vừa gọi “Đét, Đét ơi...”.
Trước khi gặp Đét, nhân viên làm việc tại trung tâm tiết lộ, vào năm 2011, Đội quản lý trật tự đô thị phát hiện Đét lang thang trên các tuyến đường tại TP.Huế. Khi đó, đầu óc, hành vi của anh có biểu hiện rối loạn như người mang bệnh tâm thần.
Đét được bàn giao cho TTBTXH tỉnh nuôi dưỡng, điều trị bệnh hơn một năm mới hồi phục, sinh hoạt bình thường. Ngày Đét vào TTBTXH, vì bất đồng ngôn ngữ nên ai hỏi gì anh cũng chỉ trả lời đúng một câu “Bangladesh”. Cái tên của anh cũng từ đó mà có.
Đét trước mắt chúng tôi là người đàn ông cao lớn, phúc hậu, da bánh mật đúng kiểu của một người đàn ông đến từ xứ sở của đạo Hồi. Đét chỉ đọc được những từ chỉ số đếm từ 1 đến 10 và tên một số vật dụng “camera, passport, cap” bằng tiếng Anh. Ngoài chừng ấy từ, hỏi gì thêm, anh lắc đầu hùi hụi hoặc lặp lại những từ được hỏi như cái máy. Chỉ đến khi nhìn thấy tấm bản đồ thế giới, Đét reo lên: “Oh, Bangladesh! Bangladesh”.
Đét chia tay những người bạn ở TTBTXH tỉnh Thừa Thiên - Huế trước khi lên đường về nước. |
Từ đất nước mình trên bản đồ, Đét đưa ngón tay kéo một đường thẳng đến Malaysia, rồi nói: “Passport (hộ chiếu)” và chỉ tay lên bầu trời ra dấu rằng mình đi bằng máy bay. Chúng tôi gật đầu đã hiểu, Đét liền đưa tay kéo từ Malaysia sang Thái Lan, rồi Việt Nam, cùng lúc chân anh liên tục bước... Đến đây, câu chuyện giữa chúng tôi rơi vào bế tắc. May mắn là tại trung tâm có một bảo vệ có biệt tài diễn tả hành động, hình vẽ trợ giúp, quá khứ của Đét dần được mở ra, dù không hoàn toàn rõ ràng.
Đét “nói” tên mình là Yearul, 30 tuổi, gia đình sống ở tầng 4 một căn hộ chung cư ở thủ đô Dhaka. Yearul có vợ, hai con (một trai, một gái). Vài năm trước, anh cùng nhiều bạn ở Bangladesh bay sang Malaysia buôn bán quần áo.
Trong một lần đi bán hàng, chẳng may gặp cướp. Yearul bị đánh dã man vào đầu, vào người, rồi bị cướp hết toàn bộ giấy tờ tùy thân, 4.000 taka Bangladesh (đơn vị tiền tệ Bangladesh), cùng 200 ringgit (tiền tệ Malaysia).
Đến khi tỉnh dậy, trên người Yearul đầy thương tích, tinh thần điên loạn và trở thành người mất trí. Không một xu dính túi, đầu óc không thể mường tượng ra quá khứ trước đó, hết ngày này đến ngày khác, Yearul đi lang thang trong vô thức rồi lạc qua Thái Lan, điểm dừng cuối cùng trong hành trình lang bạt của anh là Việt Nam.
Về nhà
Trong suốt thời gian gần 3 năm sống tại TTBTXH, Yearul nhớ nhà lắm. “Đêm nào buồn, Yearul hay hát thì thầm trong miệng. Khi tui lấy vỏ chai đựng nước đã qua lọc nước đưa lên miệng, làm điệu như mình đang cầm micro, Yearul biết ý liền hát vang bài hát bằng tiếng mẹ đẻ. Dù tui không hiểu gì, nhưng qua lời hát của Yearul có điều gì đó đau khổ tận tâm can, đó chỉ có thể là nhớ gia đình, nhớ vợ, nhớ con và muốn về nhà”, ông Nguyễn Hữu Cườm kể.
Vừa qua, TTBTXH tỉnh thông tin đến các cơ quan báo chí đăng tải thông tin tìm địa chỉ cho 3 người nước ngoài đi lạc (2 người Trung Quốc và Yearul Islam) với hy vọng sẽ tìm được cách để Yearul được về nước.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Đại sứ quán (ĐSQ) Bangladesh tại Việt Nam đã vào cuộc liên hệ về nước nhằm tìm kiếm nhân thân của Yearul Islam. Các cơ quan chức trách Bangladesh đã tìm được chính xác nhân thân của Yearul. Gia đình Yearul xác nhận con mình rời nhà và mất liên lạc đã 4 năm nay.
Ông Nguyễn Duy Tiến, cán bộ ĐSQ Bangladesh, cho biết, hay tin Yearul còn sống, gia đình anh vui mừng khôn xiết và mong sớm được gặp lại đứa con bao năm thất lạc. Gia đình của Yearul ở vùng nông thôn, hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng họ đã nỗ lực hợp tác với Bộ Ngoại giao Bangladesh để mua vé máy bay cho anh hồi hương.
Ngày 2/10 vừa qua, các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế, ĐSQ Bangladesh đã hoàn tất thủ tục pháp lý cần thiết để trao trả công dân. Trong hành trang ngày trở về của Yearul, ngoài áo quần mới, ba lô, giày dép.
Trong buổi chia tay hôm ấy, ông Cườm là người bịn rịn nhất: “Mừng cho Đét, nhưng mọi người ở đây cũng thấy nhớ vì dù sao đã cùng ăn, cùng ở với nhau hơn 2 năm qua. Đét về quê, chắc vợ con anh ta mừng lắm”. Dứt lời, ông Cườm rút chiếc mũ lưỡi trai đội lên đầu anh.
Ngay trong sáng sớm hôm sau, Yearul cùng đoàn của ĐSQ Bangladesh lên đường ra đường ra Hà Nội. Tiếp đó, anh đáp chuyến bay đi Kuala Lumpur (Malaysia), nối chuyến về thủ đô Dhaka (Bangladesh).
Trong suốt câu chuyện với Yearul Islam, chúng tôi muốn được nghe anh kể bằng cách nào anh sống sót để “thực hiện” một hành trình lưu lạc khó tin đến vậy trước khi Đội quản lý trật tự đô thị TP.Huế tìm thấy, nhưng đã không có kết quả.
Có thể Yearul không muốn nhớ, cũng có thể là hành trình ấy không thể diễn tả bằng ngôn ngữ cử chỉ. Nhưng có lẽ khát vọng sống, khát khao được về nhà với cha mẹ, với vợ, con đã cho người đàn ông một lý do để sống.
Zing
Tag : loc nuoc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét